Vinh danh Thương_Hiệt

Bản quán của Thương Hiệt nay tại trấn Sử Quan (史官) huyện Bạch Thủy (白水) tỉnh Thiểm Tây (陝西)[6], đời Hán đã lập miếu Thương Hiệt. Ngoài ra, tại huyện Đông A (東阿) tỉnh Sơn Đông (山東)[7]; nay trong địa phận Dương Cốc (陽谷), ngoại ô phía Tây huyện Thọ Quang (壽光) mỗi nơi có một miếu Thương Hiệt[8]. Tại trấn Sử Quan hiện còn miếu Thương Hiệt và di chỉ mộ Thương Hiệt. Trong miếu có bia, mặt trước và mặt sau của bia có tổng cộng hơn 910 chữ, đáng tiếc đã phá hoại nghiêm trọng, chữ bị tàn khuyết. Năm 1975, bia được dời đến Viện Bảo tàng Tây An[9] để bảo tồn.

Trong mắt người cổ đại, Thương Hiệt là vị thần sáng tạo văn tự. Truyền thuyết kể rằng, tại sông Tần (瀕) phía cửa Tây thành của huyện Thọ Quang có một người tên Lưu Văn Hòa (劉文和) nhiều năm đọc sách. Lúc còn niên thiếu Lưu sinh đến đọc sách ở một tư thục, mỗi lần về đều phải qua sông, thường được một ông lão râu trắng cõng đưa qua. Sau một khoảng thời gian dài như thế, sinh hỏi lão: "Dám hỏi tôn tính đại danh của ông, tại sao lại thường giúp cháu ?". Ông lão đáp rằng: "Ta được thần Thương Hiệt phái đến giúp, sau này nếu anh giàu sang phú quý, chớ có quên thần đó". Sau khi Lưu Văn Hòa được bổ làm quan thì đến viếng miếu Thương Hiệt, gặp được một ông lão giữ miếu, hình thái và dung mạo của ông này nhìn rất quen, vì thế đã bỏ tiền trùng tu miếu và mộ Thương Hiệt.